Phật Giáo Ấn Độ Suy Tàn Như Thế Nào

Người ta thường lấy điểm mốc Phật giáo Ấn Độ suy tàn là vào khoảng thế kỷ thứ XII khi Hồi giáo xâm lăng Ấn Độ.
 
Nhưng Phật giáo Ấn Độ bắt đầu suy tàn thì phải kể là từ thế kỷ thứ VII, khi Phật giáo dần dần biến chất do Mật Giáo xen vào, rồi lần chiếm ngự suốt 500 năm cả miền Đông và Nam Ấn của triều đại Pāla.
 
Người khai sáng vương triều này là Gopāla, từ tiểu bang miền Băng-ga-la, thống nhất nước Phiên-già-la, sau đó đánh chiếm Ma-kiệt-đà mà lập quốc.
 
Triều đại cuối cùng của Giới Nhật vương (Sīladicca) bị sụp đổ.
 
Pāla là vương triều nhỏ, chiếm một khoảng Đông Ấn, nhưng kéo dài được tới 18 đời vua, đều sùng mộ Mật tông.
 
Đời vua thứ bảy của Pāla tên là Dharmapāla, thế kỷ thứ VIII, thế nước hùng mạnh nhất do chiếm thêm được một vài lãnh thổ lân bang. Để tỏ lòng thành kính và tin tưởng với Phật tổ, ông cho xây dựng hai ngôi chùa lớn cạnh đại tu viện Nālanda.
 
Ở đây có ngôi chùa tên là Siêu Giới hay Siêu Nham (Vikramasīla) gồm 108 chùa nhỏ.
Bố cục của 108 chùa nhỏ được chia thành 12 cụm, mỗi cụm 9 chùa 1 cổng, lại còn có sáu viện nghiên cứu, 300 phòng.
 
Như vậy, Siêu Giới của thời vua Dharmapāla nghiễm nhiên đoạt địa vị đứng đầu với Nālanda và trở thành học phủ tối cao của Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Mật tông.
Nghĩa Tịnh sang Ấn Độ vào thời này, nói là vào buổi đầu, vua Gopāla đã ủng hộ Nālanda, thường tổ chức tế đàn ở đây, và lúc ấy đã có mặt Mật giáo.
 
Không có mô tả ảnh.
 
Đến thế kỷ thứ VIII, Mật giáo bắt đầu hưng thịnh, ở Siêu Giới xuất hiện nhiều vị nhân tài của phái này.
 
Như vậy, ta có thể tạm thời phân chia những giai đoạn Phật giáo, tính theo Phật lịch như sau:
 
– Từ Phật Nhập diệt đến 100 năm sau:
Là Phật giáo Theravāda chính thống, đôi nhóm có sai lạc ít học giới không đáng kể.
 
– Từ 100 năm Phật lịch đến 234 năm Phật lịch (kết tập Phật ngôn lần thứ III, thời vua Asoka): Theravāda phân phái, hình thành Mahāsaṅghika – rồi Mahāsaṅghika cũng phân phái.
 
– Từ 234 năm Phật lịch đến 900 Phật lịch:
Sinh hoạt rầm rộ của các bộ phái. Ba, bốn thế kỷ cuối của thời này đã có một số kinh điển Đại thừa như Bát-nhã (mới có tiểu phẩm) và Hoa Nghiêm. Đây cũng là giai đoạn chuyển mình từ Mahāsaṅghika sang Mahāyāna. Theravāda bắt đầu suy yếu.
 
– Từ 900 năm Phật lịch đến 1200 năm Phật lịch:
Hai dòng Đại thừa Phật giáo xuất hiện, đó là Trung Quán tông của Long Thọ – Thánh Thiên và Duy Thức tông của Vô Trước – Thế Thân.
Có thấy một số kinh điển Đại thừa khác ngoài Bát-nhã và Hoa Nghiêm, là: Duy-ma, Thủ Lăng Nghiêm, Diệu Pháp Liên Hoa, Tịnh Độ Di Đà, Thắng Man, Đại Bát Niết-bàn, Giải Thâm Mật, Lăng Già…
 
– 1200 năm Phật lịch đến 1700 năm Phật lịch:
Mật tông xuất hiện rồi thống ngự miền Đông Ấn, Nam Ấn 500 năm rồi sau đó suy tàn.
Hồi giáo xâm lăng Ấn Độ.
 
Điểm qua như vậy để thấy rằng, Phật giáo Ấn Độ suy vong có rất nhiều lý do. Ta sẽ lần lượt xét đến những nguyên nhân chính:
– Sự phát triển quá đà về tư tưởng Phật học của Mahāsaṅghika.
– Có giai đoạn suốt mấy trăm năm, Phật giáo chỉ chú trọng học thuật, tri thức, luận lý, chú trọng kiến thức suông để tranh biện hơn thua, xem nhẹ tâm linh tu chứng.
– Ấn Độ giáo lan xen vào Phật giáo. Sự hành trì sai lạc của Mật Tông làm cho Phật giáo bị biến chất, tha hóa…
– Sự xâm lăng của Hồi giáo.
 
Đấy là những lý do trọng yếu để cho Phật giáo phải rời bỏ đất Phật, thiên di sang các nước khác, mọc cành, mọc nhánh xanh tươi ở những môi trường, khí hậu thuận lợi hơn.
 
———————————-
Trích: SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ
Tác giả: MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Nguồn: Deva Dhamma

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *