Abhidhamma Là Gì

Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu từ “Abhidhamma”.
 
Từ này bao gồm hai phần: “Abhi” và “Dhamma”. “Abhi” có nghĩa là xuất sắc hay là nổi bật. “Dhamma” có nghĩa là giáo lý. “Abhidhamma” có nghĩa là giáo lý xuất sắc hay giáo lý nổi bật. Xuất sắc ở đây không có nghĩa là những lời dạy trong Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka) là tốt đẹp hơn, cao cả hơn hay cao thượng hơn những lời dạy trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka).
 
Sự khác biệt duy nhất giữa những lời dạy trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) và Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka) là phương pháp xử lý hay phương pháp trình bày. Những điều được dạy trong Kinh (Sutta) và Thắng Pháp (Abhidhamma) là giống nhau. Các bạn sẽ tìm thấy cùng những giáo điều (Dhamma), cùng những đề tài, trong cả hai Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) và Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka). Nhưng trong Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka), những giáo điều (Dhamma) này được phân tích một cách tỉ mỉ và cặn kẽ. Nói cách khác, Thắng Pháp (Abhidhamma) nâng cao những lời giảng dạy trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka), hay vượt trội hơn những lời giảng dạy trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka) theo phương diện xử lý và trình bày.
 
Chúng ta hãy lấy một ví dụ, như ngũ uẩn chẳng hạn. Tôi hy vọng các bạn quen thuộc với ngũ uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn). Đức Phật dạy giáo lý về ngũ uẩn. Chúng ta được cấu thành bởi ngũ uẩn. Hầu hết mọi chúng sinh đều được cấu thành bởi ngũ uẩn.
 
Ngũ uẩn này được trình bày chỉ trên một trang giấy trong Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyutta Nikāya). Nhưng cũng ngũ uẩn này lại được phân tích trên 68 trang giấy trong bộ sách thứ hai của Thắng Pháp (Abhidhamma)! Chúng ta có 68 trang so với một trang. Các bạn sẽ thấy phương pháp trình bày và xử lý trong Tạng Kinh (Suttanta Piṭaka) và Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka) khác nhau như thế nào. Trong Tạng Kinh (Suttanta Piṭaka), Đức Phật có thể giảng thuyết và giải thích về ngũ uẩn nhiều hơn một chút, nhưng đó không phải là một sự phân tích toàn diện hay một sự xử lý hoàn chỉnh như trong Thắng Pháp (Abhidhamma).
 
Trong Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka), đặc biệt là trong Bộ Phân Tích (Vibhaṅga), ngũ uẩn được phân tích và xử lý bằng cách giải thích theo phương pháp Kinh Tạng (Suttanta), bằng cách giải thích theo phương pháp Thắng Pháp (Abhidhamma) và bằng cách hỏi đáp. Thật ra, mọi điều được biết về ngũ uẩn thì được trình bày và phân tích trong Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma), chứ không phải trong Tạng Kinh (Suttanta Piṭaka).
 
Vì vậy, đây là lý do tại sao nó được gọi là Thắng Pháp (Abhidhamma). Sự khác biệt chỉ ở trong phương pháp phân tích và xử lý, chứ không phải trong nội dung hay trong chi pháp (Dhamma) được giảng dạy. Các bạn có thể tìm thấy cùng năm uẩn này trong cả các bài Kinh (Sutta) lẫn trong Thắng Pháp (Abhidhamma). Các bạn có thể tìm thấy Tứ Diệu Đế trong cả các bài Kinh (Sutta) lẫn trong Thắng Pháp (Abhidhamma),…
 
———————————
“Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp”
– Giảng sư: Thiền sư Silananda
– Việt dịch: Cư sĩ Pháp Triều

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *