Vì Sao Dòng Tộc Sakyā Bị Diệt Vong

I – Vua Mahānāma

 
Vua Suddhodāna của nước Sakyā có một người em trai là Amitodāna. Đức Phật là con của Suddhodāna, còn Mahānāma là con cả của Amitodāna. Nên Mahānāma là em họ của Đức Phật, dù lớn tuổi hơn Phật (do em trai Ānanda bằng tuổi Phật).
 
Hạ thứ 2, Đức Phật về thăm quê. Hai người em là Ānanda và Anuruddha đều xuất gia, Mahānāma ở lại kế tục sự nghiệp của gia đình, dòng họ.
 
Hạ thứ 4, vua Suddhodāna băng hà, Mahānāma lên ngôi kế vị bác, do 2 con trai và cháu nội của vua đều đã xuất gia hết.
 

II – Sakyā

 
Sakyā là một tiểu quốc chư hầu của Kosala. Như trong ảnh có thể thấy Sakyā ở sát cạnh Koliya, nằm lọt thỏm trong địa phận của Kosala hùng mạnh. Tộc Sakyā nổi tiếng anh dũng, thiện chiến nhiều đời, nhưng cũng rất kiêu ngạo. Dường như họ chỉ “chơi thân” với tiểu quốc láng giềng Koliya bên cạnh.
 

III – Pāsenadi

 
Hồi còn thanh niên, Mahānāma yêu một cô gái nô lệ, sinh ra một người con gái tên là Vāsabha-Khattiya. Mặc dù bị gia tộc phản đối, nhưng Mahānāma vẫn phong con gái Vāsabha-Khattiya là công chúa.
 
Có lẽ khoảng thời gian Mahānāma mới lên ngôi, vua Pāsenadi của nước Kosala muốn sang kết thân với Sakyā nên hỏi cưới một công chúa. Tộc Sakyā kiêu ngạo nên cho công chúa Vāsabha-Khattiya sang làm dâu vì dòng máu nô lệ thấp kém. Pāsenadi bằng tuổi Phật, nên lúc này khoảng 40 tuổi, Mahānāma khoảng 45 – 50 (?).
 
Pāsenadi và Vāsabha-Khattiya có một người con trai là Viḍūḍabha.
 
Khoảng hạ 13 – 14, Viḍūḍabha 8 tuổi về thăm quê ngoại lần 1. Sau đó 8 năm, Viḍūḍabha 16 tuổi được phong làm thái tử Kosala về thăm quê ngoại lần 2, phát hiện người hầu dùng sữa rửa chỗ ngồi của mình, biết về dòng máu nô lệ và sự coi thường của tộc Sakyā, Viḍūḍabha căm thù đằng ngoại Sakyā từ đây.
 
Vua Pāsenadi tức giận về sự ngang ngược của Sakyā, phế truất ngôi vị hoàng hậu của Vāsabha-Khattiya và thái tử của Viḍūḍabha, định dẫn quân sang tấn công Sakyā. Nghĩ đến Đức Phật nên Pāsenadi đi tìm gặp. Đức Phật giải thích rằng Vāsabha-Khattiya là một công chúa của Sakyā thật, khi sinh ra con thì người con mang họ của cha nên cũng có thể coi là giai cấp trên và Mallikā là người Pāsenadi thương yêu nhất cũng là con gái của giai cấp thủ-đà-la. Pāsenadi nghe vậy thôi không dẫn quân đi nữa, phục hồi vị trí cho Viḍūḍabha và mẹ.
 

IV – Viḍūḍabha

 
Hạ 42 (?), Viḍūḍabha và tướng Dīgha-Kārāyaṇa làm phản, cướp ngôi. Pāsenadi phi ngựa nhiều ngày tới Rājagaha tìm cháu (cũng là con rể) là Ajātasattu, vua nước Magadha, dẫn quân sang đòi lại ngai vàng, nhưng đến cổng thành thì qua đời do bị ốm bệnh. Ajātasattu định dẫn quân đánh Viḍūḍabha nhưng nghe lời can ngăn nên giữ gìn hòa khí 2 nước.
 
Viḍūḍabha nhớ mối thù xưa, quyết tiêu diệt Sakyā. Khi đưa quân sang biên giới, gặp Đức Phật ngồi phía trước, vì nể Phật từng giúp mình giữ được ngôi vị thái tử nên Viḍūḍabha cho lui quân. Viḍūḍabha vẫn không từ bỏ, cho quân đi lần 2 và 3 đều bị Đức Phật cản.
 
Sau 3 lần, biết nghiệp của tộc Sakyā đã đến hồi trổ quả, Đức Phật không ngăn cản nữa, quân của Viḍūḍabha ồ ạt tiến sang. Do tộc Sakyā đã có nhiều năm được Đức Phật tế độ, cảm hóa nên tất cả đều giữ ngũ giới, không sát sanh, khi quân Viḍūḍabha tràn qua, không gặp trở ngại gì, quân Sakyā có bắn tên sang dọa, nhưng mũi tên đều đã rút mất đầu nhọn và không tẩm độc, nên quân Viḍūḍabha cứ tiến lên tàn sát cả.
 
Phần lớn tộc Sakyā bị tiêu diệt, có một số ít trốn thoát, cùng với tùy tùng của vua Mahānāma được tha mạng.
 
Khi đoàn quân trở về Kosala, vua Mahānāma thấy hổ thẹn với tướng lĩnh, nên đằm mình xuống sông tự vẫn (chú giải cho rằng Long Vương cứu mạng và để vua sống dưới long cung 12 năm). Viḍūḍabha chia quân ra làm 2, một ở bờ sông, hai ở sườn núi, để nghỉ qua đêm. Đến đêm, mưa dông bất ngờ kéo tới, lũ tràn xuống quét sạch quân lính ở dưới bờ sông, có cả vua Viḍūḍabha trong đó.
 

V – Số phận Sakyā

 
Có một số ít tộc nhân Sakyā trốn thoát được, chuyển đến một vùng đất mới, nơi có nhiều chim công, lấy tên vùng đất là Khổng Tước Moriya. Với truyền thống chiến sĩ nhiều đời, Moriya nhanh chóng hùng mạnh trở lại. Về sau, hậu duệ nổi tiếng nhất của họ là vua Āsoka, một trong những nhà quân sự, chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại và là vị hộ pháp nhất nhì trong lịch sử Phật giáo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *