Thiền sư Ajahn Chah (17/6/1918 – 16/1/1992)
Trong suốt 10 năm bệnh tật, Thầy hoàn toàn liệt giường bởi chứng tổn thương não và vô số cơn đột quỵ, Thầy đã vào bệnh viện nhiều lần, nhưng mỗi lần Thầy lại hồi phục một cách kỳ diệu. Tuy nhiên, thông tin lần này cho thấy cơ thể Thầy đã bắt đầu từ chối tiếp nhận thức ăn và tình trạng sức khỏe nói chung đang ngày một xấu đi.
Đầu giờ tối 15/1, các bác sĩ nhận thấy sức khỏe của Thầy đi xuống đến mức mọi hỗ trợ y tế lúc này đều không còn tác dụng. Lúc 10 giờ đêm, xe cứu thương đưa Thầy trở lại Wat Pah Pong theo lời dặn của Thầy rằng muốn được ra đi trong chính thiền viện này.
5h20 sáng 16/1, Thầy trút hơi thở cuối cùng. Trong không khí yên bình, cuộc sống của một bậc thầy vĩ đại của Phật Giáo đã kết thúc.
Thông tin Ajahn Chah viên tịch lan rộng, mọi người bắt đầu kéo đến đến bày tỏ lòng kính trọng tới Thầy. Không lâu sau, quan chức chính quyền, cũng như đại diện của nhà Vua Thái cũng có mặt để thực hiện các nghi lễ đầu tiên cần thiết cho một Tang lễ Hoàng Gia.
Các học trò của Ajahn Chah từ khắp nơi vội vã trở về Wat Nong Pah Pong để bày tỏ lòng tôn kính với Thầy, đồng thời hỗ trợ công tác chuẩn bị đón khách thập phương tới Thiền viện. Trong suốt thời gian này, có khoảng 400 vị sư, 70 tu nữ và 500 cư sĩ Phật tử ở lại liên tục tại Wat Pah Pong, thực hành thiền mỗi ngày đến nửa đêm, nghe Pháp và tham gia các nghi lễ khác nhau. Hầu hết Chư Tăng sống bên ngoài dưới các gốc cây của rừng thiền. Thiền viện khi đó trở thành một ngôi làng.
Rất nhanh chóng, số lượng khách viếng khổng lồ đang tới từ khắp các nẻo đường xứ Thái. Mỗi ngày qua đi, cảm giác kính phục bắt đầu dâng lên trong sư khi dòng người đi vào tu viện từ sáng sớm đến đêm muộn: từ tất cả các độ tuổi, các gia đình, các nhóm học sinh và cá nhân. Chỉ trong vài ngày đầu tiên, 50,000 cuốn sách đã được phân phát, con số đâu đó cho thấy số lượng người đến viếng. Vào ngày thứ 14 và ngày thứ 15, số lượng người đến tăng dần lên con số 10,000 người mỗi ngày. Ajahn Mahā Boowa, vị Thiền Sư nổi tiếng dòng Thiền Lâm Thái, cũng đến từ Thiền viện của thầy phía gần Udorn để thuyết Pháp, và thiền sư nhận định về không khí yên bình, tĩnh lặng tại Wat Pah Pong khác biệt hoàn toàn với sự hỗn loạn và ầm ĩ của những đám tang thông thường mà thầy biết.
Để chuẩn bị chu đáo cho buổi lễ hỏa thiêu chính thức dự kiến có hàng trăm nghìn người tham dự (tại tang lễ các vị Thiền sư lớn, số người tham dự có lúc lên tới con số 1 triệu), và ngày đó cần được sắp xếp phù hợp với nhà Vua, ban tổ chức đã ấn định tổ chức tang lễ (ngày hỏa thiêu) vào đầu năm 1993.
Trong lòng mỗi chúng ta, Ajahn Chah có vị trí đặc biệt tùy vào mối tương giao cá nhân của mỗi người với Thầy. Riêng với sư, sư sẽ luôn thấy thật kỳ diệu và thiêng liêng trước cảnh hàng chục nghìn người đến với Wat Pah Pong, để tỏ lòng tôn kính với một con người đã “không thể nói gì” trong 10 năm, và trong đó hầu hết còn chưa từng có cơ hội để nói với Thầy một lời nào. Họ đến để cúi đầu trước thi hài của một con người cao quý – là hiện thân sống động nhất của một cuộc đời xả ly khỏi sự si mê vào ngã chấp. Khi thoát khỏi sự si mê này, đích đến cuối cùng trên con đường của người Phật tử đã được hoàn thành. Đối với sư, toàn bộ sự kiện này là minh chứng cho tầm cỡ và sức ảnh hưởng vĩ đại của một con người vĩ đại.
—————————
Thư ngỏ số 20, xuất bản vào tháng 4 năm 1992, Đại Đức Ṭhitapañño tường thuật lại các sự kiện tại Wat Pah Pong sau khi Ajahn Chah viên tịch.
Biên dịch: Hồng Linh- Lê Thủy
Nhóm Thiền Giữa Đời Thường – Phật Giáo Nguyên Thuỷ