“Giới luật có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho chế ngự sanh khởi, chế ngự có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho bất hối sanh khởi.” Khi chúng ta có sự chế ngự hay kiềm chế, chúng ta sẽ không có những hối tiếc, chúng ta tự tại không hối tiếc.
“Bất hối có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho hân hoan sanh khởi.” Khi có bất hối, chúng ta trở nên hân hoan.
“Hân hoan có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho hạnh phúc sanh khởi.” Hân hoan là một dạng thấp hay yếu của hạnh phúc, còn hạnh phúc thì cao hơn, mạnh hơn hân hoan.
Hạnh phúc này dẫn đến an tịnh. Chỉ khi nào có hạnh phúc, tức là cả hạnh phúc của tâm và sự an vui, thoải mái của thân, thì an tịnh mới sanh lên.
“An tịnh có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho lạc (sukha) sanh khởi và lạc có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho định sanh khởi, định có mục đích đưa đến hay làm điều kiện cho chánh tri kiến sanh khởi.”
Để có định hay để cho định sanh khởi, chúng ta cần lạc. ‘Lạc’ ở đây có nghĩa là sự an lạc. Khi không có sự an lạc, chúng ta không thể có định. Như vậy, từng bước một, tiến trình này cuối cùng dẫn đến sự giải thoát khỏi mọi khổ đau, đến sự tận diệt mọi khổ đau và đến sự tận diệt mọi phiền não.
—————————————–
Thanh Tịnh Đạo giảng giải – Giới & Định
TS U Sīlānanda Sayadaw
Pháp Triều soạn dịch