Có hai giáo lý được xếp vào hàng “tối quan trọng” trong Đạo Phật, đó là Tứ Đế và Lý Duyên Sinh.
Tứ Đế là gốc rễ của nhà Phật. Trong giáo lý Tứ Đế, ta hiểu được chân lý về sự khổ, nguyên nhân của khổ xuất phát từ đâu, thế nào là hạnh phúc thực sự (là sự chấm dứt Vô Minh, phiền não, hay chỉ là tìm đến một cõi giới an lạc nào đó) và làm thế nào để đi tới sự chấm dứt khổ đau.
Mặc dù Tứ Đế đã là đủ để quý vị có kiến thức cơ bản về Đạo Phật, nhưng nếu muốn thực sự hiểu trọn vẹn Đạo Phật, quý vị nhất thiết cần nắm vững về Lý Duyên Sinh.
Lý Duyên Sinh hay 12 Nhân Duyên được xếp vào hàng trọng yếu của Phật Giáo là vì giáo lý này định vị sự khác biệt rõ ràng của Đạo Phật so với tất cả các tư tưởng khác trên thế giới và giúp ta loại bỏ rất nhiều tà kiến về sự tái sinh, luân hồi.
Quy luật Duyên Sinh cho ta biết về sự vận hành của Danh Sắc, Ngũ Uẩn hay toàn bộ khối khổ đau, vì sao có sự tái sinh, luân hồi, làm thế nào để chấm dứt luân hồi, liệu có tồn tại một thứ gọi là linh hồn,…
Có thể nói Tứ Đế là cái nhìn tổng quát về bốn chân lý, còn Lý Duyên Sinh là sự giải thích chi tiết, chặt chẽ, đi sâu vào sự vận hành của hai trong bốn chân lý ấy, là Khổ Đế và Tập Đế.
Tuy nhiên việc học hỏi về Duyên Sinh lại không hề đơn giản, vì đây là giáo lý vô cùng phức tạp, khó hiểu và quý vị cũng cần có kiến thức căn bản về Vi Diệu Pháp, ít nhất quý vị cũng cần nắm sơ lược về Tâm vương, Tâm sở, Ngũ Uẩn nằm ở đâu trong bảng Vi Diệu Pháp,…