Vô Minh (avijjā): Là không hiểu biết về chân lý cuộc sống, đó là Tứ Đế, Nhân Quả, về khổ, vô thường, vô ngã. Thứ vô thường, không bền vững mà cho là thường, là bền vững để bám víu vào. Thứ ghê tởm thì cho là đẹp đẽ, thơm tho để dính mắc. Diễn tiến của tâm thức mà cho là linh hồn bất biến. Tham ái, dính mắc là nguyên nhân gây khổ mà lại cho là hạnh phúc,…
Hành(sankhārā): Đồng nghĩa với “tư”, “cố ý” (cetanā) hay “nghiệp” (kamma), là những hành động do cố ý, chủ ý làm, khiến tạo ra nghiệp nơi thân, khẩu, ý.
Do Vô Minh làm điều kiện nên Hành sinh. Vô Minh là nhân, Hành là quả. Do không giác ngộ sự thật nên tâm bị mê muội. Khi cảnh trần (các đối tượng bên ngoài) tiếp xúc với các giác quan, sẽ sinh ra Tham Ái với các cảnh trần ấy, rồi từ đó cố ý tạo ra các hành động để thỏa mãn các giác quan của mình.
Những nghiệp đó sẽ để lại quả báo ở đời này hoặc nhiều đời kiếp về sau. Hành nghiệp bao gồm tất cả nghiệp bất thiện cũng như nghiệp thiện. Nếu tạo nghiệp bất thiện thì sẽ cho quả khổ đau kéo dài trong luân hồi. Nếu tạo nghiệp thiện nhưng vẫn đi kèm với tham ái, ví dụ làm bố thí, cúng dường để được người khác ngưỡng mộ, kính trọng, hay mong muốn tái sinh về cõi thiên để được hưởng thụ thì đây là thiện nghiệp thiếu trí, nghiệp thiện này cho ta có được những phước báu về tài (tài sản, tiền bạc), sắc (sắc đẹp), danh (danh tiếng, địa vị), thực (thức ăn) và thùy (ngủ nghỉ), nhưng cũng sẽ tạo quả kéo dài vòng luân hồi trong Vô Minh. Nhưng nếu biết khéo tác ý, làm thiện với tâm hướng về Niết-bàn, hướng về sự giải thoát, đây là tâm thiện có trí tuệ, mặc dù vẫn xuất phát từ Vô Minh nhưng sẽ cho quả trợ duyên để chấm dứt Vô Minh trong tương lai.
Đối với tất cả phàm phu, bậc thánh sơ quả, nhị quả, tam quả, do vẫn còn Vô Minh, nên mọi Hành của chúng ta đều có trợ duyên bởi Vô Minh, chỉ có Hành của Phật (toàn giác, độc giác, thanh văn) là không duyên với Vô Minh do các ngài đã diệt trừ được hoàn toàn Vô Minh. Khi đó mặc dù về hình thức, những hành động của các ngài cũng giống như Hành tạo nghiệp thiện, là việc giúp mình, giúp đời, giúp người, nhưng Hành này không tạo ra nghiệp, đó được gọi là Hành duy tác. Do vậy, Hành duy tác không phải Hành trong 12 Nhân Duyên, mà là Hành tạo nghiệp thiện hoặc bất thiện.