Tuệ

Hạt giống Trí Tuệ có nghĩa là trau giồi khả năng phân tách những đặc tính, tính chất của:
 
– Sắc (những hiện tượng vật chất)
 
– Danh (những hiện tượng tâm linh)
 
– Uẩn (các nhóm cấu thành sự sống)
 
– Căn (sáu cửa giác quan)
 
– Nguyên tố (tứ đại, thành phần căn bản cấu thành vật chất)
 
– Chân Lý (hay diệu đế)
 
– Duyên Khởi (sự phát sanh do điều kiện)
 
– Cùng với công phu trau giồi minh sát về ba đặc tướng của đời sống tức là vô thường, khổ, vô ngã.
 
Trong ba loại hạt giống thì Giới và Định cũng tương tự như những món đồ trang sức thường xuyên tô điểm thế gian, ngay cả trong thời kỳ không có giáo huấn của một vị Phật.
 
Hạt giống Giới và Định có thể được thành đạt bất cứ lúc nào. Nhưng hạt giống Trí Tuệ liên quan đến Sắc, Danh, Ngũ Uẩn, Lục Căn, Tứ Đại, Bốn Diệu Đế và Pháp 12 Duyên Khởi chỉ được có trong thời kỳ có giáo huấn của một vị Phật.
 
Ngoài thời kỳ này, xuyên qua vô số chu kỳ thế gian không có Phật và Phật Giáo, không thể có cơ hội để nghe những lời nói liên quan đến Trí Tuệ, dù chỉ là nghe thoáng qua.
 
Do đó, người có được duyên may tái sanh ngày nay trong thế gian này, trong khi Giáo Huấn của một vị Phật còn đang lưu truyền thịnh vượng, nếu muốn tích trữ hạt giống của Ðạo Tuệ và Quả Tuệ nhằm bảo đảm sự giải thoát ra khỏi những đau khổ trong một kiếp sống tương lai, phải đặc biệt thận trọng chú tâm đến Paramatha (chân đế, chân lý cùng tột), vốn rất khó gặp, khó hơn vô cùng so với tích trữ hạt giống Giới và Định.
 
Tối thiểu ta phải cố gắng thấu hiểu rõ ràng phương cách mà Tứ Ðại cấu thành cơ thể vật chất này. Nếu minh sát hiểu biết tận tường bốn nguyên tố này, ắt hẳn ta sẽ thu hoạch được ít nhiều những hạt giống Trí Tuệ, vốn rất khó thành tựu, dù cho chưa thấu đạt tuệ giác nào trong những phần khác của Abhidhamma (Vi Diệu Pháp).
 
Có thể nói rằng sự kiện khó được tái sanh vào thời kỳ có Giáo Huấn của một vị Phật thật đáng cho ta gia công.
 
——————————
LEDI SAYADAW

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *