Rất nhiều gia đình người Trung Quốc và những dân tộc khác như Việt Nam theo phong tục đốt những hàng mã bằng giấy để cúng cho những người đã khuất.
Ví dụ như: ‘Tiền âm Phủ’, trang phục bằng giấy, xe, nhà, v.v với niềm tin rằng họ sẽ nhận được thông qua những làn khói đốt và họ có thể sử dụng ở thế giới linh hồn. Nếu một người đã khuất cũng vui mừng, hoan hỉ với những hành động ‘hiếu thảo’ này của người thân của mình khi thực hiện những nghi thức, tập tục theo mong ước của người chết, thì liệu người chết đó có tạo được Nghiệp tốt có thể mang lại ích lợi tức thì (như trong trường hợp hồi hướng “công đức bố thí”) hay không?
Người chết (chẳng hạn như là một ngạ quỷ sống gần người thân quyến) cảm thấy vui mừng, hoan hỉ khi nhìn thấy những người thân quyến còn sống của mình thực hiện tục đốt vàng mã bằng giấy để cúng mình theo như mong ước của mình không có nghĩa là người chết đang tạo ra nghiệp tốt. Niềm vui mừng, hoan hỉ của người chết đó có thể là những dính chấp, tham dục; và hơn nữa việc đốt đồ “giấy” không tạo ra được công đức nào hết, nên cũng chẳng có gì để hồi hướng hay người chết có thể nhận lãnh hay chia sẻ.
Niềm tin rằng người chết sẽ nhận được đồ cúng là dựa vào sự Si Mê, mù quáng. Mặc dù người chết có vui mừng, hoan hỉ, với sự tập tục cúng đó, người ấy không thể tạo ra nghiệp tốt nào để cải thiện hoàn cảnh hiện hữu cả.
Tương tự vậy, nếu người chết là một nạn nhân bị người khác sát hại, và con của người đó tìm cách trả thù cho cha, nên đã giết hoặc làm bị thương tay sát thủ đó. Người cha đã chết nếu có thấy được việc báo thù này và khởi tâm hoan hỉ, hả dạ “mỉm cười nơi chín suối” vì lòng ‘hiếu thảo’ của người con, đã thực hiện ‘công lý’ và ‘phục hồi danh dự’ cho gia đình. Nhưng hành động của người con không tạo ra công đức nào hết, đó chỉ là hành động của oán thù, Sân hận. Đích thực, đáng thương thay, người cha chết đó đã tạo thêm Nghiệp ác bằng việc vui mừng, hoan hỉ với hành động nghiệp ác của người con.
Vì vậy, chúng ta nên cẩn thận trong việc diễn dịch suy diễn những hành động việc làm nào là thật sự tạo nên điều “hiếu thảo”.
—————————-
“Giáo Trình Phật Học”
– Chan Khoon San