Tỳ-Khưu Khất Thực Và Chuyện Nhận Vật Thực

Ta có thể tóm tắt rằng về sự đi trì bình khất thực, thầy tỳ khưu nhận lãnh tất cả những gì được dâng đến, không có sự phân biệt nào (ngoại trừ những loại thịt cá mà thầy không được phép dùng, chẳng hạn như không phải là tam tịnh nhục, nhưng thường thường không ai dâng các loại vật thực ấy).
 
Nếu thầy tỳ khưu muốn trường chay, thầy có thể chọn ra những món chay. Đây là một điểm khó khăn cho thầy vì như thế thầy không còn đủ vật thực để dùng.
 
Dù sao, dù đi bát hay thiện tín đem đến dâng tận chùa, thầy tỳ khưu không được phép đòi hỏi món này hay món khác, ngoại trừ trường hợp đau ốm. Trong những quốc gia mà thầy tỳ khưu không thể đi trì bình ngoài đường phố, một thầy tỳ khưu hay một nhóm các thầy sẽ tùy thuộc nơi những thiện tín (những thí chủ) bằng lòng hỗ trợ của các thầy. Các thầy tỳ khưu trú ngụ sẽ được các thiện tín tổ chức mua sắm, nấu nướng và dâng đến các thầy theo lối thuận tiện nhất và thích hợp với giới luật nhất, không cần phải có thức ăn gì đặc biệt cho các thầy nhưng phải có đủ chất dinh dưỡng.
 
Như vậy, người cư sĩ không nên hỏi thầy tỳ khưu: “Bạch sư, sư có thích ăn…không?” hoặc “Hôm nay tôi phải nấu món gì để dâng cho sư?”. Truyền thống của hàng tỳ khưu là thọ lãnh bất luận món gì mà người cư sĩ sẵn có và vui lòng dâng đến. Càng ít gây phiền phức cho thiện tín chừng nào càng tốt, vì cũng như ở vào thời Đức Phật, thật vậy, người cư sĩ “còn rất nhiều việc khác phải làm”.
 
Thầy tỳ khưu không được phép vào nhà hàng hay đến tiệm mua hay đặt vật thực. Cũng không thể cất giữ cách đêm. Khi vật thực đã dâng đến theo đúng cách, thầy tỳ khưu phải dùng trước khi đúng ngọ, còn lại phải để cho cư sĩ dùng hết. Lại nữa, thầy tỳ khưu không thể nấu ăn cho mình (mặc dù được phép hâm nóng lại những món ăn đã nấu). Tuy nhiên, trong chùa công việc cất giữ vật thực cách đêm có thể để cho một thầy sadi hay một cư sĩ đảm nhiệm.
 
Tinh thần của ba giới luật vừa kể trên ngăn chặn lòng tham ái, luôn luôn sẵn sàng nổi dậy và tức nhiên phải được kiểm soát, không nên khuyến khích, trong lúc nhà sư cần phải tùy thuộc nơi thiện tín. Thầy tỳ khưu phải luôn luôn suy niệm: “Đời sống của tôi tùy thuộc vào người khác.” Người xuất gia hằng phải suy niệm điều này (bài kinh về mười điều kiện).
 
—————————-
– Khantipālo –

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *