Câu Hỏi 58:
Truyền thống Thiền Đại Thừa (Mahāyāna Zen) dạy “pháp đốn ngộ” (the practice of sudden enlightenment) dẫn đến sự liễu ngộ bản tâm được xem là sự triệt ngộ.
Nhưng có số lại nói rằng một người không thể thức đắc bổn tâm nếu không hành thiền.
Sayadaw (ngài Pa Auk) có thể giải thích cho chúng con hiểu “đốn ngộ bổn tâm” là thế nào được không?
Trả Lời Câu Hỏi 58:
Tôi không hiểu gì về Phật Giáo Đại Thừa. Vì thế khi nói “đốn ngộ”, tôi không biết quý vị muốn nói tới điều gì.
Ở đây tôi sẽ chỉ giải thích cho quý vị biết những gì đã được Đức Phật dạy trong Đạo Phật Nguyên Thuỷ mà thôi. Theo Đạo Phật Nguyên Thuỷ có bốn loại người:
1. Lược Khai Trí Giả (uggaṭitaññū) là người có thể đạt đến sự giác ngộ khi đang nghe một bài Pháp ngắn.
2. Quảng Khai Trí Giả (vipañcitaññū) là người có thể đạt đến sự giác ngộ khi nghe một bài Pháp được giảng giải chi tiết.
3. Ứng Dẫn (neyya) là người không thể đạt đến sự giác ngộ chỉ bằng cách nghe một bài Pháp, nhưng có thể đạt đến sự giác ngộ sau khi đã chuyên cần thực hành.
4. Văn Cú Tối Vi giả (padaparama) là người không thể đạt đến sự giác ngộ trong kiếp hiện tại, cho dù họ có hành chuyên cần như thế nào chăng nữa.
Hiện nay hai loại người đầu – lược khai trí giả và quảng khai trí giả – không còn hiện hữu trên cõi đời mà chỉ có hai loại người cuối mà thôi.
Để đạt đến giác ngộ, người ứng dẫn (neyya) phải hành thiền chỉ (samatha) và thiền Minh-sát (Vipassana) một cách hệ thống. Sau khi đã tu tập định mạnh mẽ và đầy năng lực, vị ấy phải phân biệt tất cả các loại sắc, và rồi phân biệt danh. Đây là giai đoạn đầu của việc hiểu rõ bổn tâm (Sabhāva of citta).
Khi vị ấy tiến hành hành pháp duyên khởi, vị ấy có một sự hiểu biết sâu hơn về bổn tâm. Khi vị ấy hành Vipassana sự hiểu biết của vị ấy về bổn tâm thậm chí còn sâu hơn nữa. Và khi vị ấy đạt đến A-la-hán thánh quả, sự hiểu biết của vị ấy về bổn tâm sẽ lên đến tột đỉnh.
———————-
CỖ XE ĐẠI GIÁC
Pa Auk Sayadaw