Giáo lý chân đế hay tối hậu được giảng dạy trong Thắng Pháp (Abhidhamma), chứ không phải là giáo lý tục đế hay quy ước như được dạy trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka).
Trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka), Đức Phật đã dùng những từ ngữ quy ước – như là “tôi”, “bạn”, “con người”, “phụ nữ”. Nếu không có những từ ngữ quy ước này, chúng ta chẳng thể nói được gì cả. Và như vậy chúng ta cũng chẳng thể giao tiếp được với những người khác trong cái thế giới quy ước này. Cho nên trong Tạng Kinh (Sutta Piṭaka), Đức Phật đã giảng dạy bằng những từ ngữ quy ước này.
Nhưng trong Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka), hầu hết những từ ngữ được dùng không phải là từ ngữ quy ước mà là từ ngữ của sự thật chân đế. Những từ ngữ này thì khác so với những từ ngữ của sự thật tục đế. Hầu như không có người, không có đàn ông, không có đàn bà trong Tạng Thắng Pháp (Abhidhamma Piṭaka). Các bạn sẽ gặp năm uẩn, các xứ, các giới, Tứ Diệu Đế và vân vân. Mặc dầu đối tượng có thể là giống nhau, nhưng cách trình bày thì lại khác.
Chúng ta hãy lấy nước làm ví dụ. Thật ra thì tôi không hiểu biết gì về hóa học cả. Tôi chỉ biết là, nước là H2O . Cho nên, tôi luôn luôn lấy ví dụ này. Khi tôi nói: “Tôi uống nước”, thì tôi đang sử dụng một từ ngữ quy ước. Cái thứ tôi đang uống thì đúng là nước. Tôi không nói dối. Nhưng nếu các bạn vào phòng thí nghiệm và phân tích các vật chất, thì các bạn sẽ không gọi chất lỏng đó là “nước” mà phải gọi là H2O.
Những từ ngữ chúng ta sử dụng trong Thắng Pháp (Abhidhamma) giống như cách sử dụng của từ “H2O” trong hóa học vậy. Bạn không phải là một người nam. Bạn không phải là một người nữ.
Các bạn là những ngũ uẩn. Hiện tại, những ngũ uẩn này đang ngồi đây. Một nhóm ngũ uẩn đang nói. Những nhóm ngũ uẩn khác đang lắng nghe. Cái đó là Thắng Pháp (Abhidhamma) đó. Trong Thắng Pháp (Abhidhamma), những từ ngữ được dùng là của sự thật chân đế chứ không phải của quy ước.
Những sự thật này được dạy bằng nhiều cách khác nhau. Những sự thật, tức là những cái mà được chấp nhận là thực tại, thì có bốn nếu tính theo số. Chúng ta sẽ học đến đó sau.
Trong Thắng Pháp (Abhidhamma), danh và sắc được phân tích một cách tỉ mỉ. Một con người thì bao gồm có danh và sắc. Danh thì bao gồm có Citta, được dịch là tâm, và Cetasika, được dịch là tâm sở. Cái mà chúng ta gọi là danh thì bao gồm hai thứ: tâm (Citta) và tâm sở (Cetasika).
Có 89 hay 121 tâm (Citta). Nói cách khác, tâm (Citta) được chia ra làm 89 hay 121. Những tâm sở thì được chia ra làm 52. Danh pháp được phân tích và miêu tả một cách tỉ mỉ trong Thắng Pháp (Abhidhamma).
Sắc pháp cũng được xử lý chi tiết như vậy. Có 28 sắc pháp được dạy trong Thắng Pháp (Abhidhamma). Sự định danh, nguyên nhân của chúng, và chúng được sắp xếp thành nhóm như thế nào, chúng sanh lên như thế nào, chúng diệt đi như thế nào trong một đời sống cụ thể: tất cả những điều này được dạy trong Thắng Pháp (Abhidhamma).
Trong Thắng Pháp (Abhidhamma), những sự thật chân đế được giảng dạy, đó là tâm, tâm sở, sắc pháp và Níp-bàn (Nibbāna).
————————————–
“Cẩm Nang Nghiên Cứu Thắng Pháp”
– Giảng sư: Thiền sư Silananda
– Việt dịch: Cư sĩ Pháp Triều