Tầm Quan Trọng Của Tạng Vi Diệu Pháp

Tam Tạng Pāli là bộ sưu tập kinh điển được ghi chép bằng ngôn ngữ Pāli. Kinh điển Pāli là bộ Tam Tạng đặc trưng của Phật giáo Theravāda.
 
Tạng hay Tàng là giỏ chứa, tiếng Pāli gọi là Piṭaka. Tam Tạng Pāli hay Tipiṭaka bao gồm:
  • I. Luật Tạng (Vinaya Piṭaka): bao gồm các điều học do Đức Thế Tôn chế định cho chư Tỳ Kheo, chư Tỳ Kheo Ni.
  • II. Kinh Tạng (Sutta Piṭaka): bao gồm các bài thuyết giảng của Đức Thế Tôn và các vị đại đệ tử của Ngài.
  • III. Luận Tạng (Abhidhamma Piṭaka): hay Tạng Vi Diệu Pháp bao gồm bảy bộ luận, trình bày Phật ngôn rất khoa học, theo một hệ thống triết học chặt chẽ.
So với hai Tạng đầu tiên, Luận Tạng có số lượng nhiều hơn và nội dung rất thâm sâu. Abhidhamma hay Vi Diệu Pháp là bộ phận tinh hoa trong giáo lý nhà Phật. Abhidhamma là từ Pāli kết hợp giữa tiếp đầu ngữ “Abhi” và “Dhamma”. Abhi có nghĩa là thâm sâu hay tối hậu. Dhamma nghĩa là chân lý hay giáo lý. Như vậy, Abhidhamma có nghĩa chân lý thâm sâu hay giáo lý tối hậu vậy. Giải thích theo từ nguyên, Abhidhamma có nghĩa là pháp đặc biệt, pháp vi diệu.
 
Luận sư Buddhaghosa đã giải thích trong tập chú giải Aṭṭhasālinī:
“Thế nào là Abhidhamma? Là pháp vượt trội và đặc biệt hơn hẳn các pháp khác (Kinh Tạng)”.
 
Sự khác biệt giữa Kinh Tạng và Luận Tạng chủ yếu ở cách giải thích giáo nghĩa. Kinh Tạng thường sử dụng ngôn ngữ hằng ngày, ngôn ngữ thuộc về quy ước hay chế định như con người, chúng sanh hữu tình v.v…. Trong khi đó, Luận Tạng dùng nhiều thuật ngữ triết học, ngôn ngữ sự thật của sự thật hay còn gọi là chân đế.
 
Kinh Tạng giải thích giáo nghĩa một cách đơn giản. Ví dụ như bài kinh Khandha Sutta, Phẩm Tương Ưng Uẩn thuộc Tương Ưng Bộ Kinh, định nghĩa các uẩn như sau:
“Tất cả các sắc hiện hữu, dầu là quá khứ, hiện tại hay vị lai; nội hay ngoại; thô hay tế; liệt hay thắng; xa hay gần; tất cả đều thuộc về sắc uẩn”.
 
Luận Tạng lại giải thích rất chi tiết và tỉ mỉ. Bộ Phân Tích, bộ thứ hai trong Luận Tạng, lại trình bày về sắc uẩn:
“Sắc uẩn được chia theo phân loại thứ nhất: Các sắc là nguyên nhân, là điều kiện, là hiệp thế, là đối tượng cho phiền não, là đối tượng cho kiết sử v.v….”.
 
Bộ Phân Tích tiếp tục phân chia sắc uẩn theo cách tương tự cho đến phân loại thứ mười một!
 
Có thể nói Luận Tạng phân tích các nội dung trong giáo lý nhà Phật một cách toàn diện nhất.
 
Luận Tạng hay Tạng Abhidhamma chuyên về những chủ đề tâm lý học và triết học. Ngôn ngữ của Abhidhamma rất đặc biệt. Văn học Abhidhamma gắn liền với các thuật ngữ như uẩn, xứ, giới, đế, và chuyển tải nội dung phong phú được gọi là chân đế (paramattha dhamma), bao gồm tâm (citta), sở hữu tâm (cetasika), sắc pháp (rūpa), và Niết Bàn (Nibbāna).
 
Luận Tạng hay giáo nghĩa Abhidhamma rất được tôn vinh ở các nước theo truyền thống Phật giáo Theravāda. Tập sách Aṭṭhasālinī, tập chú giải cho bộ Dhammasaṅganī, ghi lại vào tuần lễ thứ tư sau khi thành đạo, Đức Thế Tôn ngự nơi ngôi phòng “Ratanaghara” và suy niệm về giáo nghĩa Abhidhamma. Khi Đức Thế Tôn quán xét đến ý nghĩa sâu xa của lý nhân quả tương quan (Paṭṭhāna), từ nơi kim thân của Ngài tỏa ra ánh hào quang sáu màu.
 
Sách Aṭṭhasālinī còn ghi thêm Abhidhamma thuộc về lãnh vực trí huệ của một vị Phật Toàn Giác. Theo truyền thống Phật giáo Theravāda, Abhidhamma do chính Đức Thế Tôn thuyết giảng. Vào mùa hạ thứ bảy, nơi cung trời Đao Lợi, Đức Thế Tôn đã thuyết giảng Abhidhamma cho vị thiên tử trước kia là thân mẫu của Ngài, cùng hội chúng rất đông đảo các vị Chư Thiên. Cùng thời gian trong ngày, Đức Thế Tôn hóa hiện ra một vị Phật khác (hóa thân), trở về cõi nhân loại để giảng lại Abhidhamma cho Tôn giả Xá Lợi Phất. Sau đó, vị đại đệ tử đã thuyết giảng Abhidhamma cho năm trăm đệ tử thuộc hội chúng của Tôn giả. Chính từ đó giáo lý Abhidhamma được hình thành và phát triển cho đến ngày hôm nay.
 
Một trong những đóng góp chủ yếu của Abhidhamma vào kho tàng tri thức của nhân loại là sự phân tích và phân loại rất khoa học dòng tâm thức, được ghi lại trong tập Dhammasaṅganī, bộ sách đầu tiên trong Luận Tạng.
 
Chúng ta cùng đọc lại đoạn hội thoại ngắn dưới đây giữa Tôn giả Na Tiên và nhà vua Mi Lan Đà trong tập sách Mi Tiên vấn đáp (Milindapañhā).
 
Mở đầu, Tôn giả Na Tiên nói:
– Thưa Đại vương, một công việc rất khó khăn đã được Đức Thế Tôn thực hiện.
– Thưa Tôn giả Na Tiên, đó là công việc gì vậy?
– Thưa Đại vương, Đức Thế Tôn đã phân tích một lộ trình tâm, bao gồm tâm vương và các tâm sở như sau: “Đây là xúc, đây là thọ, đây là tưởng, đây là hành, đây là thức”.
– Thưa Tôn giả Na Tiên, Ngài hãy cho một ví dụ.
– Thưa Đại vương, như một người đi đến bờ biển, người ấy dùng tay hốt lấy bụm nước biển rồi nếm nước ấy. Liệu người ấy có thể nhận ra nguồn nước đến từ sông Gangā, sông Yamunā, sông Aciravatī hay không?
– Thật rất khó để phân biệt được như vậy!
– Thưa Đại vương, một công việc còn khó hơn mà Đức Thế Tôn đã làm được. Ngài đã phân tích được lộ trình tâm, bao gồm tâm vương và các tâm sở cùng phối hợp.
 
Do đó, Abhidhamma chỉ thuộc về lãnh vực trí huệ của một vị Phật Toàn Giác. Abhidhamma cung cấp cho người học Phật hướng dẫn rất cần thiết trên phương diện pháp học (pariyatti) như là chiếc chìa khóa để mở cửa vào ngôi Tàng Kinh Các của Pháp Bảo.
 
Trên phương diện pháp hành (paṭipatti), Abhidhamma trợ duyên rất nhiều cho các vị hành giả thực hành thiền chỉ (samatha bhāvanā), và thiền quán (vipassanā bhāvanā). Để từ đó đạt đến mục tiêu là pháp thành (paṭivedha), nhờ vào giác ngộ được lý vô thường (anicca), khổ não (dukkha), và vô ngã (anatta).
 
Sách biên niên sử Mahāvaṃsa ghi chép lại là các vị vua Sri Lanka đời xưa luôn thể hiện sự tôn kính đối với giá trị vô song của Luận Tạng. Vào thế kỷ thứ X sau công nguyên, Đức Vua Kassapa đệ ngũ đã cho khắc toàn bộ Tạng Abhidhamma lên những phiến bằng vàng ròng. Riêng bộ Dhammasaṅganī lại được cẩn thêm rất nhiều trân châu quý báu.
 
Một vị vua khác, Đức Vua Vijayabāhu vào thế kỷ XI thường xuyên tụng đọc bộ Dhammasaṅganī trước khi lâm triều, và đích thân nhà vua đã phiên dịch bộ luận trên ra ngôn ngữ Sinhalese, tiếng Tích Lan.
 
Các nhà học giả trong thời hiện đại đánh giá rất cao về Luận Tạng. Giáo sư Rhys Davids viết: “Abhidhamma nói đến những gì bên trong chúng ta, những gì xung quanh chúng ta, và những gì chúng ta mong muốn thành đạt”.
 
Bhikkhu Bodhi diễn giảng: “Abhidhamma trình bày giáo lý nhà Phật theo ba phương diện: đạo đức học, triết học, và tâm lý học”.
 
Thein Nyun, một học giả người Miến Điện, đã nói: “Kiến thức Abhidhamma rất là quan trọng vì Abhidhamma giúp cho chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa trong giáo nghĩa của Kinh Tạng”.
 
Luận Tạng của Phật giáo Theravāda gồm có bảy bộ sách căn bản như sau:
1. Dhammasaṇganīpakaraṇa: Bộ Pháp Tụ
2. Vibhaṅgapakaraṇa: Bộ Phân Tích
3. Dhātukathāpakaraṇa: Bộ Nguyên Chất Ngữ
4. Puggalapaññattipakaraṇa: Bộ Nhân Chế Định
5. Kathāvatthupakaraṇa: Bộ Luận Điểm
6. Yamakapakaraṇa: Bộ Song Đối
7. Paṭṭhānapakaraṇa: Bộ Vị Trí
 
Các nhà học giả nổi tiếng trong thời hiện đại đã nhận định bảy bộ sách nêu trên được xem là một trong những thành tựu quý báu nhất của nhân loại từ cổ chí kim.
Thật là phước báu và thật là hy hữu khi cả bảy bộ sách quý đều được Hòa Thượng Tịnh Sự (Santakicco Mahāthera) phiên dịch toàn bộ từ nguyên bản Pāli sang tiếng Việt.
 
Hòa Thượng Santakicco Mahāthera là một trong những bậc cao tăng thạc đức đã đặt nền móng xây dựng nên ngôi nhà Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam ngày nay.
 
Hòa Thượng Santakicco Mahāthera là bậc thầy tổ đã truyền bá và định hướng cho việc học hỏi, hành trì giáo nghĩa Abhidhamma cho biết bao thế hệ Tăng Ni và Phật tử Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *