Người ta cho rằng Phật pháp là thứ gì đó nhạt nhẽo và vô vị. Bởi, Phật pháp đi ngược lại với niềm đam mê thích thú của phần lớn thế gian. Họ không thích nghe ngay cả những thứ đơn giản nhất, chứ chưa nói đến Niết bàn, giải thoát. Có thể nói gần như các Pháp thoại nghiêm túc đều không hề liên hệ đến các yếu tố như chuyện tiếu lâm, hài hước. Mặt khác, tùy vào phước duyên của từng pháp sư mà cách thuyết giảng của vị này không lôi cuốn và hấp dẫn bằng vị kia. Cộng hai điều vừa nói lại với nhau ta thấy ngay thái độ hay cách đánh giá của thính chúng nói riêng và người tìm đến Phật pháp nói chung. Tuy nhiên, là một hành giả Tuệ Quán có lòng cầu đạo giải thoát thì việc nghe pháp sẽ được cân nhắc và suy xét một cách có hợp lý, không phải chỉ vì một vài lý do nho nhỏ nào đó mà hành giả buông xuôi tất cả.
Tuy nhiên, không nên cho rằng việc thuyết pháp có trích dẫn chuyện cổ, ngụ ngôn, xen kẽ vài ba chuyện lý thủ là không cần thiết. Trên thực tế, chuyện thuyết pháp giảng đạo khác với những gì mà thiên hạ nghĩ nhiều lắm.
Như đã thưa ở trên, nội dung của Phật pháp thật sự rất thâm sâu, chẳng hạn kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇasutta), Đại Niệm Xứ (Mahāsatipatthāna),… Ngay cả nội dung giáo lý Duyên Khởi cũng vậy, dù được xếp vào tạng kinh nhưng được xem là A-tỳ-đàm bởi cách trình bày, thuyết giảng giống hệt A-tỳ-đàm, tức chi pháp rõ ràng không lộn xộn.
Gì cũng vậy, dù là giảng hay dạy, giáo lý Duyên Khởi luôn đề cập đến các chi pháp nên dễ khiến người ta làm tưởng đó là A-tỳ-đàm, mà hễ là A-tỷ-đàm thì khó nuốt đối với phần đông. Từ chỗ đó, ý nghĩa của Đạo, Quả, Niết bàn được nhắc đến trong Kinh cũng trở nên khó hiểu. Hơn nữa, Duyên Khởi khó hiểu bởi nội dung phần lớn mô tả tiến trình nhân quả tương quan mà không hề đề cập đến một cái Tôi hay cá nhân nào, trong khi phàm phu thì đang từng ngày xây đắp, tạo dựng một cái Tôi hư ảo qua từng cử chỉ, lời nói và ý nghĩ.
———————
“Duyên Khởi”
Mahasi Sayadaw