Trong tuần lễ thứ tư sau khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã suy xét một cách chi tiết về Vô Tỷ Pháp là cốt lõi liên quan đến pháp siêu lý (Tâm, Sở hữu tâm, Sắc pháp, Níp-bàn) cũng là cốt lõi của giáo pháp trong Phật giáo suốt 7 ngày. Trong lúc suy xét về vấn đề của nhân, vấn đề của duyên trong pháp siêu lý cho đến bộ Vị Trí (Paṭṭhāna) đó thì từ nơi thân Ngài xuất hiện hào quang 6 màu. Có màu xanh, màu đỏ, màu vàng, màu cam, màu trắng và màu chiếu sáng giống như pha lê tỏa ra từ thân Ngài thật kì diệu.
Trong thời điểm sáu mùa an cư đầu tiên truyền bá giáo pháp, Đức Phật chưa truyền dạy Vô Tỷ Pháp cho người nào. Bởi vì Vô Tỷ Pháp là pháp liên quan với pháp siêu lý khó mà giải thích cho hiểu được một cách dễ dàng. Người đón nhận ý nghĩa của Vô Tỷ Pháp đó phải là người hợp với đức tin. Trong vấn đề này, một phần đó là chắc chắn và đã từng trau dồi pháp độ liên quan đến trí tuệ. Ở thời gian trước trong lúc bắt đầu truyền đạo, phần lớn là người chưa có đức tin và ít có sự tin cậy trong Phật giáo, chưa sẵn sàng tiếp thu lời dạy liên quan đến pháp siêu lý, là pháp sâu xa vi tế đó. Vì thế, Ngài chưa trình bày cho biết bởi vì nếu trình bày rồi sự nghi ngờ không hiểu hay sự không tin tưởng khởi sanh rồi cũng sẽ là nhân phát sanh sự xem thường, xúc phạm đến Vô Tỷ Pháp. Do vậy sẽ cho quả xấu nhiều hơn là cho quả tốt.
Qua đến mùa an cư thứ bảy là lần đầu tiên Đức Phật trình bày Vô Tỷ Pháp. Ngài ngự lên nhập hạ ở cõi trời Đao Lợi (Tāvatiṃsa) để trả ân đức cho mẫu thân bằng cách thuyết giảng Vô Tỷ Pháp tế độ Phật mẫu, là người đã mất đi từ khi sanh Ngài được bảy ngày và được hóa sanh thành vị Thiên tử trên cõi trời Đẩu Suất (Tusita) có tên là Thiên tử Santusita. Trong lần thuyết giảng này, có Chư thiên và Phạm thiên từ mười ngàn thế giới ta bà. Tất cả có số lượng cả trăm ngàn triệu vị thiên vân tập đến nghe pháp bởi có Thiên tử Santusita là nguyên nhân. Tại nơi ấy Đức Phật trình bày Vô Tỷ Pháp cho chư thiên và Phạm thiên theo phương pháp rộng mở chi tiết (Vithāranaya) có nghĩa là trình bày một cách tỉ mỉ và đã hoàn tất trong suốt thời gian mùa an cư là ba tháng tròn.
Đối với cõi nhân loại, Ngài thuyết giảng pháp này lần đầu tiên cho Trưởng lão Sāriputta. Có nghĩa là trong cùng một lúc đang thuyết pháp ở cõi trời Đao Lợi thì Ngài cũng thuyết pháp cho Trưởng lão Sāriputta vừa đủ thời gian đi khất thực của Ngài. Ngài dùng song thông tạo ra một hóa thân Phật để thuyết pháp thay thế cho Ngài. Trong lúc đó, Ngài đi khất thực ở xứ Bắc Cưu Lô Châu. Khi đã khất thực xong, Ngài ngự đến rừng cây Candana ở trong khu vực rừng Tuyết Sơn gần hồ Anotatta để độ vật thực bởi có Trưởng lão Sāriputta phục vụ mỗi ngày. Sau khi đã độ xong vật thực rồi, Đức Phật cũng tóm tắt những ý chính của Vô Tỷ Pháp mà ngài đã thuyết cho Chư thiên và Phạm thiên cho Trưởng lão Sāriputta nghe mỗi ngày. (Đức Phật thuyết giảng cho Trưởng lão Sāriputta những điều cơ bản một cách ngắn gọn là trình bày chi tiết ngắn gọn).
Xong rồi Ngài quay về cõi trời Đao Lợi để thuyết pháp tiếp tục và Ngài làm công việc như vậy mỗi ngày suốt ba tháng an cư. Khi sự thuyết giảng Vô Tỷ Pháp trên cõi Chư thiên kết thúc thì sự thuyết giảng Vô Tỷ Pháp cho Trưởng lão Sāriputta cũng kết thúc cùng lúc đó. Khi Ngài thuyết xong Vô Tỷ Pháp cho Chư thiên và Phạm thiên thì tám trăm triệu Chư thiên chứng quả và Thiên tử Santusita (Phật Mẫu) cũng được chứng quả Dự lưu.
Khi Trưởng lão Sāriputta được nghe Vô Tỷ Pháp từ Đức Phật rồi cũng hướng dẫn và truyền dạy lại cho năm trăm vị Tỳ-khưu là đệ tử của Ngài bằng những lời dạy của Đức Phật mỗi ngày và cũng kết thúc trong 3 tháng giống nhau. Việc dạy Vô Tỷ Pháp của Trưởng lão Sāriputta thuyết giảng cho năm trăm vị Tỳ-khưu này là lời dạy không quá ngắn gọn và không quá dài dòng (Nātivitthāranatisankheppanaya).
Năm trăm vị Tỳ-khưu này đã từng có căn duyên trong tiền kiếp. Ở thời giáo pháp của Đức Phật Kassapa, năm trăm vị Tỳ-khưu này là những con dơi sống nương nhờ trong một hang động. Lúc đó có hai vị Tỳ-khưu thông thuộc Vô Tỷ Pháp cũng nương nhờ ở trong hang động đó đang cùng nhau đọc tụng lại Vô Tỷ Pháp. Trong lúc hai vị Tỳ-khưu đang đọc tụng Vô Tỷ Pháp năm trăm con dơi cũng được nghe âm thanh ấy nhưng chỉ biết đó là giáo pháp mà thôi. Tuy chúng không biết ý nghĩa chi cả nhưng chúng cũng chú tâm nghe từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc. Khi hết kiếp sống là những con dơi rồi, chúng cũng được sanh trong cõi Chư thiên đồng đều nhau cả thảy. Cho đến thời kì xuất hiện giáo pháp của Đức Chánh Giác Gotama, họ mới tử ở cõi Chư thiên, rồi tái sanh làm người nhân loại và được xuất gia Tỳ-khưu trong giáo pháp này cho đến khi học được Vô Tỷ Pháp từ Trưởng lão Sāriputta đã thuyết. Rồi từ đó, họ học đi học lại nhiều lần cho ghi nhớ và truyền đạt sự thông hiểu Vô Tỷ Pháp này một cách rõ ràng và rộng rãi về sau.
Sau khi Đức Phật đã Níp-bàn rồi. Ba tháng sau khi đã cúng dường xá lợi, Trưởng lão Kassapa, Trưởng lão Upali, Trưởng lão Ānanda cùng với chư vị A-la-hán vân tập tổng cộng năm trăm vị đều là A-la-hán có Tứ tuệ phân tích, Lục thông và Tam minh cùng giúp nhau đọc tụng và kết tập Pháp – Luật. Có tất cả tám mươi bốn ngàn pháp uẩn và tán dương Vô Tỷ Pháp là phần Pháp cốt lõi rất quan trọng trong Phật giáo. Việc kết tập lần này có vua Ajātasattu là người ủng hộ có đức tin trong sạch nơi Tam bảo.
———————————–
SỔ TAY NGHIÊN CỨU VÔ TỶ PHÁP (ABHIDHAMMA)
Biên soạn: Bhikkhu Visischaysuvan