Tâm Bất Thiện Và Tâm Sở Bất Thiện

Tâm bất thiện và các tâm sở bất thiện là các pháp bất thiện, các pháp không khéo léo, không đem lại lợi ích, ô nhiễm, bất tịnh. Chúng ta có nhận ra khi có tâm bất thiện hay không? Bất kỳ khi nào tâm không tác ý thiện thì chúng ta nói, hành động và suy nghĩ với tâm bất thiện. Có thể ta không có những suy nghĩ ác hay ham muốn thô tháo, nhưng vẫn nghĩ với tâm bất thiện; bất kể khi nào chúng ta không nghĩ thiện thì sẽ có suy nghĩ bất thiện. Chúng ta luôn nghĩ về con người, về những thứ đã xảy ra và sẽ xảy ra, chúng ta cần tìm hiểu xem khi nào suy nghĩ là thiện và khi nào là bất thiện. Nếu không phải là thiện thì chắc chắn đang có tâm bất thiện.
 
Tâm bất thiện làm hại bản thân, làm hại người khác hoặc cả hai. Có thể không dễ thấy được rằng, kể cả khi ta không làm hại hoặc tổn thương ai đó, nhưng tâm vẫn là bất thiện. Ví dụ, khi thích thiên nhiên là đang có một mức độ dính mắc nhất định, mà dính mắc thì không phải là thiện, nó khác với không vị kỷ. Chúng ta có thể thấy hiểm họa của bất thiện thô tháo, nhưng rất khó để thấy khi nó ở mức độ vi tế hơn.
 
Một người không nghe Pháp sẽ không biết chính xác điều gì là thiện và điều gì là bất thiện, và vì thế sẽ có nhiều duyên cho phi như lý tác ý tới đối tượng. Những người bạn thiểu trí cũng là một duyên cho các tâm bất thiện. Người có xu hướng bất thiện sẽ giao du với người có xu hướng tương tự. Do vậy, người ấy lại tích lũy thêm các ác pháp nữa và khi đó rất khó có thể quay lại với thiện và phát triển những phẩm chất tốt đẹp.
 
Tâm bất thiện có xu hướng sinh khởi thường xuyên hơn tâm thiện vì đã có vô số tâm bất thiện trong quá khứ và do vậy, duyên cho bất thiện đã được tích lũy. Nếu không có sự phát triển hiểu biết đúng, bất thiện sẽ không được tận diệt và chúng ta sẽ vẫn tiếp tục tích lũy thêm các pháp bất thiện.
 
Hiểu biết đúng về hiểm họa và tác hại của các pháp bất thiện có thể làm duyên cho thiện tâm. Tuy nhiên, ngay sau khi tâm thiện diệt đi thì các tâm bất thiện có xu hướng sinh khởi trở lại.
 
Do vô minh nên chúng ta coi sự thỏa mãn trong các kinh nghiệm dễ chịu qua ngũ căn là hạnh phúc thật sự. Ta có cho rằng hưởng thụ những thứ khả ái là mục tiêu của đời mình hay không? Chúng ta có xu hướng quên mất rằng những gì khả ái không tồn tại kéo dài, rằng cơ thể chúng ta sẽ biến hoại, rằng chúng ta sẽ phải mắc bệnh và chết.
 
Có vô minh ở mỗi tâm bất thiện. Tại những khoảnh khắc ấy, ta không biết được hiểm họa của việc tích lũy thêm các tâm bất thiện. Nếu không phát triển hiểu biết đúng về các thực tại, chúng ta sống trong những giấc mơ và ảo tưởng. Chúng ta muốn có hạnh phúc cho bản thân và không biết cái gì là thiện và cái gì là bất thiện. Như thế, những phẩm chất thiện chắc chắn sẽ suy giảm.
 
—————————–
Nina Van Gorkom – Tâm Sở

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *