Một Số Hiểu Nhầm Về Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác Và A-La-Hán

1. Sự giải thoát của Phật cao hơn A-la-hán?

Không, sự giải thoát của cả 2 là như nhau, đều là những vị đã đoạn tận vô minh, tham ái, không còn trở lui trong sinh tử luân hồi. Phật cũng là A-la-hán và A-la-hán cũng là Phật. Chúng ta có thể gọi Phật chánh đẳng giác là A-la-hán chánh đẳng giác, còn A-la-hán cũng có thể được gọi là Phật thanh văn giác.
 
Tuy nhiên, mặc dù sự giải thoát là như nhau, nhưng do sự trau dồi các ba-la-mật gấp vô số lần so với A-la-hán, nên xét về tất cả những năng lực khác, như thần thông, trí hiểu biết, phước báu, khả năng giảng dạy,… Phật toàn giác luôn luôn vượt trội về mọi mặt. Và Phật toàn giác có thể tự mình giác ngộ, không phụ thuộc vào thầy, còn A-la-hán bắt buộc phải có thầy chỉ dạy mới có thể chứng ngộ, thầy của họ chính là Phật toàn giác.
 

2. Phật có thể quay lại sinh tử luân hồi để độ chúng sinh?

Điều này là không thể, nếu có thể thì tất cả chúng sinh chỉ cần một vị Phật duy nhất là đủ. Phật đã đoạn tận Vô Minh, từ đó không còn phát sinh ra Hành Nghiệp, không có Hành Nghiệp tức không có Cận Tử Nghiệp, không có Cận Tử Nghiệp thì không có Quả của Cận Tử Nghiệp – là Thức Tục Sinh, không có Thức Tục Sinh thì không có đời sống mới, không có đời sống mới thì không còn quay lại luân hồi thêm bất cứ một lần nào nữa.
 

3. A-la-hán có thể phát nguyện thành Phật?

Trong một số kinh sách (sáng tác về sau) có những đoạn mô tả Phật Gotama thọ ký cho vị A-la-hán này, hay A-la-hán khác trở thành vị Phật trong tương lai, nhưng điều này cũng là không thể, câu trả lời tương tự như câu phía trên, A-la-hán không còn trở lại luân hồi thêm một kiếp sống nào khác nữa.
 
Và mở rộng ra với cả 4 thánh quả cũng như vậy, khi đã đi vào dòng Nhập Lưu, thành bậc thánh thanh văn, thì không thể thành Phật được nữa, vì chỉ còn luân hồi tối đa thêm 7 kiếp ở cõi Dục Giới, và mặc dù có thể có thêm nhiều kiếp sống ở các cõi Phạm thiên (dù có đắc thiền hay không), nhưng chắc chắn là không thể đủ để trau dồi thêm ba-la-mật và trở thành Phật trong tương lai.
 

4. Bồ tát là danh từ chỉ dành cho những vị phát nguyện thành Phật?

Thực ra từ bồ tát có thể mang những nghĩa khác nhau tùy theo từng bối cảnh.
  • Nghĩa 1: Là chúng sinh chắc chắn sẽ thành Phật
  • Nghĩa 2: Là chúng sinh có phát nguyện thành Phật (có thể chưa chắc chắn thành Phật)
  • Nghĩa 3: Là chúng sinh có phát nguyện giác ngộ (chia làm 3 con đường: bồ tát chánh đẳng giác, bồ tát độc giác, bồ tát thanh văn giác)
Tùy theo các ngữ cảnh mà ta có thể hiểu từ bồ tát theo những nghĩa này. Và trong bài viết, tác giả khi nói ngắn gọn là bồ tát thì sẽ sử dụng theo ý nghĩa thứ nhất, và nếu nói ngắn gọn là Phật, thì sẽ hiểu theo nghĩa Phật chánh đẳng giác.
 

5. Bồ tát phẩm hạnh cao hơn A-la-hán?

Đây là một sai lầm nghiêm trọng. Vì dù Bồ tát là chúng sinh có hạnh nguyện lớn vĩ đại, đã được thọ ký và chắc chắn thành Phật trong tương lai, nhưng Bồ tát vẫn chỉ là phàm phu, vì vậy không thể so sánh với những bậc thánh thanh văn giác (xét trong bối cảnh cùng là tại gia hoặc cùng là xuất gia).
 
Ví dụ, nếu coi Phật toàn giác như một vị giáo sư, A-la-hán như một sinh viên đã ra trường, thì Bồ tát giống như một học sinh phổ thông và có nguyện trở thành giáo sư sau này. Mặc dù chắc chắn sẽ thành giáo sư trong tương lai, nhưng hiện tại thì họ vẫn chỉ là học sinh, không thể so sánh với một sinh viên đã tốt nghiệp.
 

6. Phật độc giác năng lực kém hơn A-la-hán

Phật độc giác không thể giảng dạy cho chúng sinh khác, bởi vì các ngài thông hiểu về Pháp và Nghĩa lý, nhưng do không trau dồi về sự thông đạt về Từ ngữ và khả năng Biện giải nên khả năng chế định giáo pháp không có được, nhưng không có nghĩa Phật độc giác kém hơn về phẩm hạnh so với A-la-hán, thậm chí về năng lực còn hơn A-la-hán gấp nhiều lần.
 
Phật độc giác có thể tự mình chứng ngộ, không phụ thuộc vào thầy như A-la-hán, và còn về khả năng giảng dạy của A-la-hán thì đó là đến từ ân đức của Phật chánh đẳng giác.
 

7. Gọi là bồ tát thì sẽ chắc chắn thành tựu giác ngộ?

Giống như ở câu số 4, là bồ tát thì chưa hẳn chắc chắn sẽ thành tựu. Chỉ có những vị đã được một vị Phật thọ ký sẽ chắc chắn sẽ giác ngộ trong tương lai, còn nếu chưa được thọ ký thì điều này vẫn còn bất định.
 
Như vậy, có 2 hạng bồ tát:
  • Bồ tát cố định: đã được thọ ký, chắc chắn thành tựu
  • Bồ tát bất định: chưa được thọ ký, chưa chắc thành tựu
Lưu ý: Bồ tát ở đây áp dụng cho cả 3 trường hợp bồ tát chánh đẳng giác, bồ tát độc giác và bồ tát thanh văn giác.
 

8. Bồ tát độ hết mọi chúng sinh giác ngộ rồi mới giác ngộ sau?

Điều này là không thể. Thứ nhất, luân hồi là vô thủy, vô chung, không có điểm đầu, không có điểm cuối, chúng sinh vô lượng, vô biên, chuyện hết sạch mọi chúng sinh là điều… “hão huyền”.
 
Thứ 2, bồ tát chỉ là phàm phu, không thể độ được chúng sinh nào giác ngộ, muốn độ các chúng sinh giác ngộ, bồ tát phải tự mình giác ngộ trước. Giống như phải tự mình đi từ A đến B, rồi mới chỉ đường cho người khác đi được.
 

9. Bồ tát đạo thành Phật toàn giác là Đại Thừa, còn Độc giác và thanh văn giác là tiểu thừa?

Đây là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng khác. Từ “tiểu thừa” theo nghĩa gốc là một từ mang hàm tính chê bai, ý chỉ con đường độc giác và thanh văn giác là kém hơn, thấp hơn, con đường chánh đẳng giác độ nhiều người hơn, là cỗ xe lớn.
 
Điều này hoàn toàn không đúng, và mang nghiệp nặng, vì có tính chê bai, đả kích các bậc thánh độc giác và thanh văn giác. Đúng là con đường của chánh đẳng giác sẽ giúp nhiều chúng sinh khác đạt tới sự giác ngộ, nhưng không có nghĩa hai con đường còn lại là hạ liệt, thấp kém.
 
Các bậc độc giác và thanh văn giác, nếu muốn thành đạo, cũng phải trau dồi các hạnh ba-la-mật, phục vụ, hy sinh cho các chúng sinh trong vô số kiếp sống, vì vậy, không thể nói rằng họ chỉ biết nghĩ đến mình trên con đường giác ngộ.
 
Lựa chọn phát nguyện như thế nào là tùy thuộc vào căn cơ của từng người, có người muốn thành bác sĩ, có người muốn thành giáo viên, có người thành doanh nhân, có người lại muốn làm lao công, đi dọn rác cho đường phố… Ai cũng có phận sự phù hợp riêng với người ấy, nếu không có những người lao công thì xã hội sẽ ra sao khi ngập ngụa trong rác thải?
 
Vì vậy, không nên và không được phép coi thường bất cứ hạnh nguyện nào, cho rằng đó là thấp kém, hạ liệt, nhất là với các bậc thánh.
 

10. Thời nay có Phật độc giác và Phật toàn giác khác?

Trong những kinh sách (được sáng tác sau này), thường có một số đoạn mô tả về sự xuất hiện của các vị Phật độc giác và Phật toàn giác trong thời Phật Gotama còn tại thế. Điều này là không thể, kể cả cho đến thời điểm hiện tại.
 
Mỗi một thời kỳ chỉ có duy nhất một vị Phật toàn giác xuất hiện, thời kỳ ấy bao gồm thời gian vị Phật tại thế và thời gian sau đó giáo pháp được duy trì. Không thể có hai vị toàn giác cùng có mặt, hiện tại vẫn đang là thời kỳ còn giáo pháp của Phật Gotama, nên không thể có bất cứ vị Phật toàn giác nào khác xuất hiện lúc này.
 
Và về Phật độc giác, có thể có nhiều vị cùng một lúc, nhưng Phật độc giác không thể xuất hiện trong thời kỳ của Phật toàn giác.
 
——————————
Hoàng Minh Silananda
Vô Minh đến Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *