Vua Asoka Và Những Đóng Góp To Lớn Vì Đạo Phật

Vua Asoka được xếp vào hàng ngũ của những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất, những vị vua vĩ đại nhất, và những nhà quân sự kiệt xuất nhất trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Và ông cũng được xem là người có đóng góp lớn nhất trong sự phát triển và lan tỏa của Phật giáo sau thời Phật.
 
Ông có vô số những đóng góp cực kỳ to lớn đối với Phật giáo, những công trình mà ông cho xây dựng vẫn còn tìm thấy ngày nay trên khắp đất nước Ấn Độ, nổi bật nhất là ông cho dựng những trụ đá với hình 4 con sư tử chụm lưng vào nhau, cùng với những bánh xe pháp, con voi, ngựa để tôn vinh và ẩn dụ cho chánh pháp của Đức Phật, biểu tượng này đã được lựa chọn làm quốc huy của Ấn Độ.
 
Có 2 sự kiện nổi bật nhất về sự nghiệp chánh pháp của ông chính là tổ chức kỳ đại hội kết tập kinh điển lần thứ III và thành lập 9 phái đoàn truyền bá Đạo Phật đi khắp nơi.
 
Trong kỳ kết tập lần III, vào khoảng hơn 200 năm sau khi Phật nhập diệt. Khi ấy các giáo phái phân nhánh tràn lan, hình thành nên ít nhất 18 bộ phái (có thể còn nhiều hơn), ngoài ra, với sự phát triển của Phật giáo, các tu sĩ ngoại đạo mất dần chỗ đứng, dẫn đến việc họ trà trộn vào tăng đoàn để nhận sự cúng dường của tín thí. Tình trạng ngày khiến Phật giáo trở nên hỗn loạn và chia rẽ.
 
Khi ấy, nhà vua thấy cần phải trực tiếp can thiệp và chấn chỉnh lại giáo pháp, dưới quyền bảo trợ của nhà vua, cùng với sự chủ trì của một nhân vật luôn được nhắc tới cùng với ông, là trưởng lão Moggaliputta Tissa, tăng đoàn đã được thanh lọc lại toàn bộ, loại bỏ hàng chục nghìn tu sĩ giả danh.
 
Kỳ kết tập kinh điển lần thứ III được tổ chức, chỉnh đốn lại những phần giáo lý không chính thống hay bị dị giáo tà thuyết. Kỳ kết tập này “có thể” diễn ra trong thời gian dài, ở nhiều nơi và nhiều khoảng thời gian khác nhau, dẫn đến sự sai khác trong các tài liệu lịch sử.
 
Sau đó, vua Asoka lập ra 9 phái đoàn gồm những vị sư uyên bác, lỗi lạc để mang Phật giáo truyền đi khắp nơi (quý vị có thể theo dõi bản đồ ở dưới comment). Trong đó, có 2 phái đoàn quan trọng nhất truyền tới Myanmar và Sri Lanka. Về sau, khi Đạo Phật tại Ấn Độ bị xóa sổ bởi Hồi Giáo, chính 2 vùng đất này đã kế thừa và trở thành thủ phủ quan trọng nhất, là nơi diễn ra cả 3 kỳ kết tập kinh điển lần IV, V và VI.
 
Đặc biệt, phái đoàn tới Sri Lanka được dẫn đầu bởi ngài Mahinda, cùng với đó là tỳ-khưu ni Sanghamitta, cả 2 người là con của vua Asoka. Ngài Mahinda đã cảm hóa nhà vua Devànampiyatissa, biến Đạo Phật trở thành quốc giáo của Sri Lanka. Về sau, nơi đây diễn ra kỳ kết tập kinh điển thứ IV, đó là lần đầu tiên kinh điển được ghi chép lại. Trong khi ấy, tỳ-khưu ni Sanghamitta cũng người đầu tiên đã thành lập ra tăng đoàn ni tại đây.
 
Ngoài ra, có thể kể thêm phái đoàn khác truyền bá Đạo Phật sang tới vùng Ai Cập – Hy Lạp, hình thành nên một cộng đồng theo Phật giáo, về sau, dẫn đến sự kiện gặp mặt có một không hai trong lịch sử giữa vua Milinda và tỳ-khưu Nagasena, sự kiện này được ghi chép lại trong kinh “Mi Tiên vấn đáp”, với tầm vóc của tác phẩm này, Phật giáo Myanmar đã đưa “Mi Tiên vấn đáp” vào trong Tiểu Bộ và tôn thờ như một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong văn học Phật giáo.
 
Như vậy, với những đóng góp vĩ đại không ai sánh bằng, nhà vua Asoka đã đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo như ngày nay. Sự kiện 9 phái đoàn truyền giáo của ông được xem như lần chính thức đầu tiên Đạo Phật vươn mình ra khỏi Ấn Độ. Dưới quyền lực của một vị đại đế cai trì gần như toàn bộ lục địa Ấn, các phái đoàn hoàn toàn thuận lợi trong việc truyền bá pháp Phật, để từ đó nở rộ ở những vùng đất màu mỡ khác khi chánh pháp bị lụi tàn trên chính quê hương của mình.
 
——————————-
Hoàng Minh Silananda

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *