Luận Sư Phật Âm (Buddhaghosa)

Ngài Phật Âm (Buddhaghosa), người Magadha, thuộc Trung Ấn Ðộ, vào thế kỷ thứ V. Sư xuất thân trong gia đình Bà-la-môn, ban đầu học Phệ đà (Veda), tinh thông Du già (Yogā), Số luận v.v…, về sau, Sư quy y Phật giáo, tinh thông các kinh điển.
 
Vì mục đích hoằng truyền Phật pháp, rống tiếng rống của sư tử mà Sư soạn các chú thích bộ luận Nanodaya, luận Atthasàlini, và Luận Pháp Tập. Vào năm 432, Sư vượt biển sang Tích Lan (Sri Lanka), trú tại Ðại tự viện (Mahàvihàra), theo Trưởng lão Sanghapàla nghiên cứu thánh điển tàng trữ tại chùa ấy, rồi đem dịch sang tiếng Pàli và soạn Thanh Tịnh Ðạo luận (Visuddhimagga), Thiện Kiến Luật chú tự (Samantapàsàdikà) chú giải luật tạng (Sách nầy còn có tên là Thiện Kiến Luật Tì bà sa; Thiện Kiến luận.) v.v….
 
Ðồng thời, Sư đem giáo nghĩa của Thượng Tọa bộ (Theravada) soạn thuật thành một hệ thống hoàn chỉnh. Trong đó, có thể nói Thanh Tịnh Ðạo luận là một tác phẩm toát yếu toàn bộ Tam tạng kinh điển và Luận sớ. Về sau, Sư đem 4 bộ kinh Nikàya dịch sang tiếng Pàli và soạn chú giải tại chùa Granthakara parivena, xứ Anuràdhapura.
Giải thích Trường Bộ kinh thì có Sumangalavilàsinì; giải thích Trung Bộ kinh thì có Papancasùdanì; giải thích Tương Ưng Bộ kinh thì có Sàratthappakàsinì; giải thích Tăng Chi Bộ kinh thì có Manorathapùraịì. Ðến khi ấy Tam Tạng Pàli mới cực kỳ hoàn chỉnh.
 
Những chú thích của Sư, không chỉ hạn cuộc chữ nào nghĩa nấy của bản văn, mà bao quát cả các loại giải thích về lịch sử, địa lý, thiên văn, âm nhạc, động vật, thực vật v.v…, đặc biệt, đối với phong tục tập quán của Ấn độ cổ đại, Sư còn làm thêm ký thuật liên quan đến những văn hiến trọng yếu dùng để nghiên cứu về Ấn độ.
Người Tích Lan ca ngợi học vấn uyên bác của Sư và sùng kính Sư như là Bồ tát Di Lặc tái thế. Lúc cuối đời, Sư trở về cố quốc an dưỡng tuổi già.
 
Bộ Thanh Tịnh Ðạo Luận (Visuddhimagga) gồm 3 quyển, do ngài Buddhaghosa trước tác khoảng giữa thế kỷ V và được đưa vào Ðại tạng kinh thuộc Nam truyền, quyển 62 – 64. Ðây là một bộ luận trọng yếu thuộc Phật giáo Theravada.
 
Trọn bộ luận gồm 23 chương, nhằm giải thích giáo nghĩa của Theravada, thứ tự tổ chức và nội dung tương tự như Giải Thoát Ðạo luận (Vimuttimagga, do ngài Upatissa soạn khoảng thế kỷ III), nhưng bên trong có xen những lời luận biện về kiến giải của sách ấy.
 
Bản luận trình bày theo thứ tự Giới, Ðịnh và Tuệ. Chương 1 và 2 luận về Giới. Từ chương 3 đến 13 luận về Ðịnh, trình bày khúc chiết các phương pháp tu tập một cách có hệ thống. Chương 14 đến 23 luận về Tuệ. Trong đây, từ chương 14 đến 17 chủ yếu mô tả về 5 uẩn, Tứ đế, Bát chánh đạo, và 12 nhân duyên. Ngoài ra, còn bàn tổng quát về 3 tướng vô thường, khổ, và vô ngã. Các chương còn lại luận về các tuệ quán thanh tịnh một cách rất tinh mật. Trước và sau sách, có bài tự thuật về nhân duyên tạo luận và dùng 3 vô lậu học Giới Ðịnh Tuệ như con đường đạt đến Niết-bàn làm lời kết luận.
 
Quyển sách này là một luận thư có quyền uy tối cao đối với phật giáo Nam truyền. Nội dung của nó ví như một bộ bách khoa toàn thư, có thể so sánh ngang với bộ Ðại Tỳ Bà Sa Luận của Thượng Tọa Hữu bộ.
 
Nhà Phật học Ái Ðức Hoa nhận xét:
“Thanh Tịnh Ðạo Luận là một tác phẩm kinh điển vĩ đại nhất về phương diện tâm linh của nhân loại. Tính chất trọng yếu của nó có thể xem như một mô hình văn học tiêu biểu để cho các nhà học giả quốc tế dùng làm cơ sở.”
 
Tóm lại, bộ luận này dùng ba vô lậu học Giới – Định – Tuệ làm nhân tố để tu tập quán chiếu về tính chất vô thuờng, khổ, vô ngã của vạn pháp, nhằm đạt đến kiến thanh tịnh và tâm thanh tịnh, tức Niết-bàn tịch diệt.
 
——————————————
Thích Phước Sơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *