Vì công phu thực hành của những vị mong chờ vị Phật tương lai không gì hơn là tích trữ ba-la-mật (pàrami), không cần thiết phải theo đúng thứ tự của những giai đoạn thực hành được chỉ dẫn trong Kinh Ðiển Pàli, tức sìla, samàdhi và pannà (giới, định, tuệ).
Không nên trì hoãn, chờ hành xong sìla (giới) rồi mới bắt đầu thực hành samàdhi (định), hay trì hoãn công phu thực hành pannà (tuệ) để chờ hoàn tất pháp hành samàdhi (định).
Theo thứ tự của bảy giai đoạn thanh tịnh (visuddhis) như:
1. Giới tịnh
2. Tâm tịnh
3. Kiến tịnh
4. Đoạn nghi tịnh
5. Đạo phi đạo tri kiến tịnh
6. Đạo tri kiến tịnh
7. Tri kiến tịnh
Hành giả không nên bỏ sót hay trì hoãn công phu thực hành pháp nào để phải theo đúng thứ tự trên. Vì đây là những người có nguyện tích trữ ba-la-mật càng nhiều càng tốt nên phải tận lực chuyên cần nhằm tích trữ giới, định tuệ càng nhiều càng tốt.
Khi Kinh điển Pàli dạy rằng tâm tịnh chỉ phải được thực hành sau khi hoàn tất tròn đủ giới tịnh, rằng chỉ nên thực hành kiến tịnh sau khi đã hoàn mãn hành xong tâm tịnh, rằng chỉ nên thực hành đoạn nghi tịnh sau khi đã hoàn tất thực hành viên mãn kiến tịnh, rằng công phu trau giồi pháp hành thiền về anicca, dukkha, và anattà bhàvanà (vô thường, khổ, vô ngã) chỉ nên được bắt đầu sau khi đã thực hành đầy đủ đoạn nghi tịnh, thứ tự thực hành này được chỉ dạy để áp dụng cho những vị cố gắng thành tựu Ðạo và Quả ngay trong kiếp sống này (chứ không phải cho những vị trông chờ giáo pháp của vị Phật tương lai).
Trong trường hợp những người tự thấy mình không thể chuyên cần đến mức cao độ như vậy mà chỉ cố gắng góp nhặt ba-la-mật (pàrami) càng nhiều càng tốt, không nên bảo họ rằng pháp hành thiền vắng lặng chỉ nên được bắt đầu sau khi thực hành đầy đủ giới tịnh.
Với người thợ săn và người thợ câu, không nên bảo họ nếu không bỏ nghề để hành một nghề khác thì đừng nên thực hành quán niệm, hướng tâm về vắng lặng và minh sát. Nói như vậy sẽ gây trở ngại cho Giáo Pháp, cản trở người ta trên con đường dẫn đến Giáo Pháp.
Trái lại nên khuyến khích người thợ săn hoặc thợ đánh cá nên quán niệm những phẩm hạnh thánh thiện của Phật, Pháp, Tăng. Nhắc nhở họ nên tận lực quán niệm tính chất ô trược của cơ thể vật chất nầy. Khuyên nhủ họ nên quán niệm tánh cách vô thường, bất ổn định, hết sức bấp bênh, của kiếp sinh tồn, trước cái chết chắc chắn sẽ phải đến với ta, và với tất cả mọi chúng sanh.
Sư (Ngài Ledi Sayadaw) có biết trường hợp một người thợ chài lưới chuyên nghiệp, sau khi được khuyến khích như trên, có thể đọc thuộc lòng Kinh Ðiển Pàli và “nisaya” (bản dịch từng chữ) quyển Abhidhammattha Sangaha (Vi Diệu Pháp Toát Yếu) và những duyên hệ, Paccaya Niddesa, của bộ Patthàna (Tương Quan Duyên Hệ) của Tạng Luận trong khi vẫn hành nghề đánh cá. Những công trình tu học như vậy là nền tảng vững chắc rất tốt để gieo trồng mầm giống vijjà (Minh).
Ngày nay, mỗi khi gặp thiện tín (dàyaka upàsakas), đúng theo truyền thống của một nhà Sư, Sư khuyên họ rằng mặc dầu là thợ săn hay thợ câu chuyên nghiệp, lúc nào cũng nên ghi nhớ, quán niệm những phẩm hạnh thánh thiện của Tam Bảo và ba đặc tướng của đời sống. Quán niệm những phẩm hạnh thánh thiện của Tam Bảo là gieo trồng hột giống Hạnh (carana). Quán niệm ba đặc tướng của đời sống là gieo trồng hột giống Minh (vijjà).
Dầu là đối với người thợ săn hay thợ câu ta cũng nên khuyến khích họ thực hành niệm tâm như vậy. Không nên nghĩ rằng sẽ không thích nghi nếu ta khuyên người thợ săn hay thợ câu nên hành thiền vắng lặng (samatha) và thiền minh sát (vipassanà).
Ðàng khác, nếu họ gặp khó khăn, nên giúp đỡ cho họ hiểu biết. Nên sách tấn và khuyến khích họ nên kiên trì cố gắng. Họ ở trong hoàn cảnh mà dù chỉ có một hành động nào tích trữ ba-la-mật (pàrami) và có chiều hướng tốt cũng nên được tán dương.
Mất Cơ Hội Gieo Trồng Hột Giống Vijjà (Minh) Vì Không Biết Giá Trị Của Thời Hiện Tại
Vài vị đạo sư hiểu lầm trong Kinh Ðiển Pàli về thứ tự phải thực hành bảy giai đoạn thanh tịnh. Các vị ấy dạy rằng pháp hành thiền vắng lặng (samatha) hay thiền minh sát (vipassanà), dù tận lực tinh tấn thế nào, không thể đưa đến thành quả nếu trước đó không hoàn tất giai đoạn giới tịnh. Vài hành giả kém hiểu biết bị dẫn dắt lầm đường vì tin theo những lời dạy tương tự. Như vậy, đó là dhammantaràya (chướng ngại cho Giáo Pháp).
Những người ấy, vì không hiểu biết bản chất của giờ phút hiện tại, sẽ mất cơ hội để gieo trồng mầm giống vijjà (Minh), vốn chỉ có thể thành tựu khi gặp được Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana).
Trong thực tế, họ không thể giải thoát ra khỏi những khổ đau của đời sống và vẫn phải còn lặn hụp lăn trôi trong vòng luân hồi (samsàra) bởi vì trong quá khứ xa xôi dài vô tận, trải qua vô số chu kỳ thế gian, mặc dù đôi khi họ có cơ hội gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) nhưng không thu thập nền tảng mầm giống vijjà (Minh).
Khi nói đến mầm giống, nên hiểu rằng có những hột giống đủ chín mùi để có thể nở và trở thành cây non mạnh khoẻ sởn sơ, và có nhiều mức độ chín. Cũng có những hột giống chưa chín, chưa đủ mùi.
Người không hiểu biết ý nghĩa của đoạn kinh mình đang đọc, hoặc không hiểu biết phương pháp thực hành chân chánh, dù thông hiểu ý nghĩa nhưng chỉ đọc, tụng, và lần chuỗi theo thói quen thông thường trong khi ấy quán niệm phẩm hạnh của Ðức Phật và những đặc tướng vô thường, khổ, và vô ngã, đọc tụng kinh mà không theo dõi lời kinh, ắt sẽ có hạt giống không đủ chín, không mùi. Những hạt giống này có thể chín và đủ mùi nếu hành giả tiếp tục hành như thế trong những kiếp sau kế đó, nếu có được cơ hội.
Pháp hành vắng lặng (samatha) cho đến mức parikamma nimitta và pháp hành minh sát (vipassanà) đến tuệ phân biệt sắc và danh (rùpa và nàma), dù chỉ một lần, là hạt giống chín mùi có đủ tiềm năng.
Pháp hành thiền vắng lặng đến mức uggaha nimitta và pháp hành thiền minh sát đến mức sammasana-nàna, dù chỉ một lần, là hột giống càng chín mùi hơn.
Thiền vắng lặng đến mức Patibhàganimitta và thiền minh sát đến Udayabbayanàna, dù chỉ một lần, là hạt giống càng chín mùi hơn.
Nếu càng chuyên cần tinh tấn hơn trong công phu thực hành thiền vắng lặng và thiền minh sát hột giống vijjà (Minh) càng già giặn chín mùi hơn có thể đưa đến thành công quan trọng.
———————
37 Phẩm Trợ Đạo
Ledi Sayadaw