Người Mang Sứ Mệnh

Kể từ ngày giác ngộ cho đến thời khắc cuối cùng của cuộc đời, Đức Phật đã cống hiến toàn bộ thời gian và công sức vì lợi ích của nhân loại. Với tình thương rộng khắp và tâm từ vô lượng, Đức Phật đã gửi 60 đệ tử A-la-hán đầu tiên đi khắp nơi. Ngài nói:
 
“Hãy đi đi, này các tỳ-khưu, vì lợi ích của nhiều người, vì hạnh phúc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian. Hãy giảng dạy giáo pháp, hoàn hảo ở chặng đầu, hoàn hảo ở chặng giữa, và hoàn hảo ở chặng cuối”.
 
Từ những nỗ lực của ngài, tăng đoàn nhanh chóng tăng lên với số lượng rất lớn với những hành giả tình nguyện đi trên con đường tâm linh. Tất cả những tu sĩ đó đã giúp Đức Phật truyền bá giáo lý của ngài tới đại chúng và ngày càng có nhiều người hơn tham gia vào tăng đoàn.
 
Đức Phật định hình lại những tiêu chuẩn xã hội đã tồn tại trước đó, loại bỏ những niềm tin mê tín và bất công trong xã hội. Ngài dạy rằng một người tốt hay xấu, thánh hay phàm, không phải do bẩm sinh, sự giàu có hay địa vị xã hội, mà bởi hành động của chính người đó. Giáo lý này trên thực tế đã tạo nên một “ý tưởng mang tính cách mạng” vào thời điểm ấy. Nó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong suy nghĩ của xã hội Ấn Độ và vẫn còn rung lên hồi chuông sự thật với thế gian cho đến tận ngày nay.
 
Đức Phật là đấng chánh biến tri, bậc toàn giác, nhưng ngài không bao giờ ép buộc các đệ tử phải phục tùng những gì ngài nói, ngài để họ tự do suy nghĩ vì lợi ích của chính mình, chứ không phải tin theo một cách mù quáng. Mặc dù có đủ mọi năng lực nhưng ngài hiếm khi dựa dẫm vào thần thông, bởi vì ngài cho rằng, loại thần thông tốt nhất và vì vĩ đại nhất chính là giáo pháp. Giáo pháp có thể ví như con tàu đưa hành giả vượt qua đại dương của vòng luân hồi.
 
Đức Phật không phải một vị thần hay Thượng đế toàn năng. Ngài luôn luôn khuyến khích các môn đệ tự phải nương tựa nơi chính mình và tự bước chân đi trên con đường bởi vì Phật chỉ là bậc đạo sư mà thôi.
 
Trong 45 năm, Đức Phật du hành khắp nơi qua nhiều vương quốc tại Ấn Độ. Ngài giảng dạy giáo lý tới mọi tầng lớp dù nam hay nữ, vua chúa hay nông dân nghèo, ba-la-môn hay tiện dân, thương nhân hay kẻ ăn xin,… mà không có bất kỳ sự phân biệt nào với họ. Giáo lý của ngài luôn mở với tất cả những người sẵn sàng lắng nghe và thực hành.
————————-
Việt dịch: Bửu Thông (Hoàng Minh)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *