Sự Kết Hợp Của Tâm Sở Và Tâm

Sự kết hợp của TÂM SỞ với TÂM có 2 dạng:
– Kết hợp nhất định
– Kết hợp bất định
 
Kết hợp nhất định là sự kết hợp chắc chắn xảy ra và luôn như vậy. Ví dụ, 7 sở hữu biến hành luôn luôn có mặt trong mọi tâm. 4 sở hữu bất thiện biến hành luôn luôn có mặt trong 12 tâm bất thiện. 19 sở hữu tịnh hảo biến hành luôn luôn có mặt trong mọi tâm tịnh hảo. Sở hữu tham luôn có trong 8 tâm tham. Sở hữu trí tuệ luôn có trong các tâm dục giới hợp trí, các tâm thiền và siêu thế tâm,…
Kết hợp bất định: là sự kết hợp không chắc chắn, lúc có lúc không, hay phải xét tùy theo trường hợp.
 
Tâm sở kết hợp bất định có 11: Tật, lận, hối, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, bi, tùy hỷ, ngã mạn, hôn trầm, thụy miên.
 
A. Tật, lận, hối
– Kết hợp trong 2 tâm sân
– Có những lúc chúng sẽ không sinh khởi trong 2 tâm sân
– Nếu sinh khởi trong 2 tâm sân, thì sẽ chỉ xuất hiện 1 cái mỗi lúc, chứ không xuất hiện 2 hoặc cả 3 đồng thời. Tật xuất hiện trong tâm sân khi có sự ganh ghét, đố kỵ với thành công, hạnh phúc của chúng sinh khác. Lận xuất hiện khi có sự bỏn xẻn, keo kiệt với chúng sinh khác. Hối xuất hiện khi có sự hối hận, tiếc nuối về sự việc đã qua.
 
B. Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng
– Kết hợp với 8 thiện dục giới và 40 tâm siêu thế
– Trong 8 thiện dục giới, thì là sự kết hợp bất định. Có khi sanh, có khi không. Nếu sanh thì chỉ sanh 1 trong 3 cái một lúc. Chúng sanh khởi khi có sự cố ý ngăn trừ lời nói không chân chánh, hành động gây hại và nuôi mạng bất chánh.
– Trong 40 tâm siêu thế, sự sát trừ lúc này sanh khởi do trí tuệ diệt trừ phiền não, nên cả 3 sanh khởi luôn cùng lúc. Sự kết hợp lúc này là nhất định.
 
C. Bi, tùy hỷ
– Kết hợp trong 8 thiện dục giới, 8 duy tác dục giới tịnh hảo và 12 tâm sắc giới (trừ ngũ thiền, do là tâm thọ xả)
– Trong 8 thiện và 8 duy tác dục giới tịnh hảo, chúng có khi sanh, có khi không. Nếu sanh thì chỉ sanh 1 trong 2, khi có sự thương cảm với khổ đau của chúng sinh khác hoặc vui mừng theo hạnh phúc của chúng sinh khác.
– Trong 12 tâm sắc giới (trừ ngũ thiền), chúng có khi sanh, có khi không (không sanh khi đề mục thiền không phải bi và tùy hỷ). Nếu sinh thì cũng chỉ sinh 1 trong 2 khi đắc thiền với đề mục bi hoặc tùy hỷ.
 
D. Ngã mạn
– Kết hợp trong 4 tâm tham ly tà
– Có khi sanh, có khi không. Chỉ sinh khởi khi có sự so sánh mình và người khác.
 
E. Hôn trầm, thụy miên
– Kết hợp trong 5 tâm bất thiện hữu trợ
– Có khi sanh, có khi không. Nếu sanh thì sanh lên cả 2 khi có sự dã dượi, mệt mỏi, buồn ngủ.
 
———————-
Vô Minh đến Minh

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *